Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long những ngày đầu tháng 5/2020

07/05/2020   7,686

Là vựa lúa chính của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, chịu ảnh hưởng lũ và hạn theo mùa hàng năm, điều này đe dọa đến sự phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực của Việt Nam. Biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên phần lớn các khu vực, nhất là ĐBSCL hiện nay.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong mùa khô năm 2020, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL dự báo sẽ ở mức độ sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn tại ĐBSCL có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016.

Bản đồ dự báo phân bố độ mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

(Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia)

Nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 2 thấp hơn so với trung bình và thấp hơn so với năm kiệt 2016. Dự báo dòng chảy tăng nhẹ ở tháng 5, mặn sẽ giảm dần từ đầu tháng 5. Dự báo nguồn nước cho 3 vùng ĐBSCL của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cụ thể như sau:

- Vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ, nguồn nước được cải thiện, tận dụng thời điểm bơm tát ở các vị trí xa kênh trục.

- Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre: ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông khi chân triều thấp, sông Cổ Chiên 30-40km, sông Hậu 30-40km, sông Vàm Cỏ 90-110km, sông Cái Lớn 55-60km. Các sông Hàm Luông, cửa Đại và cửa Tiểu tận dụng thời điểm lấy nước vào kỳ triều thấp.

- Vùng ven biển ĐBSCL: bao gồm ven biển các tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang): Duy trì các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt. Chủ động tích nước vào các thời điểm xuất hiện ngọt khi triều thấp.

Theo Bản tin số 80/DB-VKHTLMN: dự báo tháng 5/2020 khả năng mặn trên ĐBSCL được cải thiện nhiều, nhưng vẫn đề phòng một số trường hợp bất thường do mưa muộn, dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL thấp.

Hiện trạng xâm nhập mặn từ 01/5/2020 – 05/5/2020 tại ĐBSCL: Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần. Độ mặn cao nhất tuần tại hầu hết các trạm vùng ĐBSCL ở mức thấp hơn tuần từ 26-30/4, riêng một số trạm ở Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau độ mặn ở mức cao hơn.

Bản đồ phân bố độ mặn từ 01-05/5/2020 (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Bản tin số 26-HHXNM/TVTB, ngày 05/5/2020 về Bản tin dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam bộ từ ngày 06-10/5/2020)

Dự báo xâm nhập mặn từ 06/5/2020-10/5/2020:

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất trong đợt này tại các trạm ở mức tương đương và cao hơn thời kỳ từ ngày 21-30/4, riêng ở Cà Mau độ mặn ở mức thấp hơn

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau:

Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 90-135km;

Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 55-70km;

Sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 65-85km;

Sông Hậu, Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 45-50km;

Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 55-60km

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau:

Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 80-125km;

Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 50-55km;

Sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 60-75km;

Sông Cổ Chiên, sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 35-40km;

Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 45-55km.

Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 1-2.

Trong đợt mặn từ ngày 08-15/5, các địa phương hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Bản đồ dự báo phân bố độ mặn cao nhất từ 06-10/5/2020 (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Bản tin số 26-HHXNM/TVTB, ngày 05/5/2020 về Bản tin dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam bộ từ ngày 06-10/5/2020)

Tại Trà Vinh:

Theo Kịch bản số 18/KB-SNN ngày 05/3/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Dự báo thiệt hại do xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2019 – 2020 trên địa bàn tỉnh: xâm nhập mặn đã và đang gây ra thiệt hại về sản xuất cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 03/3/2020, diện tích thiệt hại lũy kế là 8.480,83ha, trong đó: vụ Mùa 381,87 ha và vụ Đông Xuân 8.098,96ha (Châu Thành: 1.270,58ha, Tiểu Cần 158,65ha, Trà Cú 3.902,90ha, Cầu Ngang 2.168,7ha, Duyên Hải 460,67ha, Cầu Kè 137,5ha).

Độ mặn cao nhất từ ngày 01-05/5/2020 và dự báo độ mặn cao nhất từ ngày 06-10/5/2020 tại 04 trạm tỉnh Trà Vinh được thể hiện trong bảng sau:

STT

Trạm

Sông

Độ mặn cao nhất từ ngày  

 01-05/5/2020

Dự báo độ mặn cao nhất từ ngày 06-10/5/2020

Smax (g/l)

So với max tháng 5/2016 (g/l)

Smax (g/l)

1

Hưng Mỹ

Cổ Chiên   

(cửa Cung Hầu)

13,5

Tương đương

13,9

2

Cầu Quan

Hậu

 (cửa Định An)

6,1

Lớn hơn 0,9

6,4

3

Trà Vinh

Cổ Chiên

(cửa Cung Hầu)

7,0

Lớn hơn 0,8

7,5

4

Trà Kha

Hậu

 (cửa Định An)

14,8

Lớn hơn 5,8

15,3


Khuyến nghị sản xuất và quản lý nước mùa kiệt năm 2020:

Các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn với trường hợp ở năm hạn mặn lịch sử. Dưới đây là một số khuyến cáo cho từng vùng:

Vùng thượng ĐBSCL: Nguồn nước đến hiện tại được xem là có khó khăn do đầu nước thấp, cần chủ động điều tiết nước và bơm tát, các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên.

Vùng giữa ĐBSCL: Đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu do lưu lượng về thấp, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Giảm diện tích các vùng ven biển nơi chưa đảm bảo nguồn nước. Chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ động trữ nước cho các tuần trước triều cường ở các thời kì khan hiếm nước, hạn chế tiêu thoát nước. Mặn duy trì cao đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5, cần bảo vệ các nguồn nước hiện hữu (bổ sung đập tạm), kiểm tra thường xuyên nguồn nước, tích nước ngay khi có thể, có biện pháp giảm thiểu bốc thoát hơi nước cho cây trái (giữ ẩm gốc, tỉa bớt lá).

Vùng ven biển ĐBSCL: Nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao ngay ở tháng 1 và 2 và duy trì cao trong tháng 3 và kéo dài đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt.

Tài liệu tham khảo:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kịch bản số 18/KB-SNN ngày 05/3/2020 về Dự báo thiệt hại do xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2019 – 2020 trên địa bàn tỉnh.

Tô Quang Toản, Tăng Đức Thắng, 2013, Nghiên cứu đánh giá thay đổi thủy văn dòng chảy về châu thổ Mê Công qua chuỗi số liệu lịch sử từ 1924 đến nay, Tạp chí Khoa học và Công nghệ thủy lợi số 19 – 2013.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Bản tin số 26-HHXNM/TVTB, ngày 05/5/2020 về Bản tin dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam bộ từ ngày 06-10/5/2020.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Bản tin số 80/DB-VKHTLMN, ngày 12/3/2020, Bản tin lấy nước tháng 3 và dự báo xâm nhập mặn tháng 4,5 năm 2020 ở ĐBSCL.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Bản tin dự báo Nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ chỉ đạo sản xuất và điều hành cấp nước mùa kiệt năm 2019 – 2020 (Tuần từ 01/05 – 08/05/2020), ngày 29/4/2020.

http://baolangson.vn/xa-hoi/277209-xam-nhap-man-o-vua-lua-so-1-viet-nam-co-the-tang-trong-tuan-toi.html.

 http://kttvqg.gov.vn/kttv-voi-san-xuat-va-doi-song-106/xam-nhap-man-nam-2020-du-bao-se-o-muc-do-sau-gay-gat-hon-5378.html

 

 

Người viết: N M HIẾU (TTCNTT TNMT)

MonrePortal.CMS - Block_TinTucLienQuan