Phổ biến Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản

14/04/2020   963

Ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, gồm 73 điều. Trong đó đã quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm

- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.

- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản.

Đối với các hành vi vi phạm hành chính có liên quan lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản nhưng Nghị định này không quy định thì được áp dụng theo các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Về đối tượng áp dụng: Nghị định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản trong lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định gồm: Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã (Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã); Nhà đầu tư nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định.

Các hình thức xử phạt gồm có hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục. Trong đó:

- Hình thức xử phạt chính gồm 03 hình thức: Cảnh cáo, phạt tiền và tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 - 24 tháng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với cá nhân là 250 triệu đồng và tổ chức là 500 triệu đồng và mức phạt tối đa trong lĩnh vực khoáng sản đối với cá nhân là 01 tỷ đồng và tổ chức là 02 tỷ đồng đối với từng hành vi.

- Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 - 24 tháng; Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 - 12 tháng; Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

- Biện pháp khắc phục: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Nghị định cũng quy định rõ các mức phạt tiền là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân và mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

- Điều khoản chuyển tiếp: Nghị định cũng quy định đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trước ngày Nghị định có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết, nếu các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì áp dụng quy định của Nghị định này để xử lý. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành nhưng chưa thi hành xong trước thời điểm Nghị định có hiệu lực mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính có khiếu nại thì xem xét áp dụng quy định có lợi của Nghị định này để giải quyết.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2020 và Nghị định này thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản./.

Người viết: Đinh Thị Nhanh(VPS)

MonrePortal.CMS - Block_TinTucLienQuan