Đánh giá hiệu quả đầu tư mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã Tân Bình và An Trường A.

09/12/2021   671

Vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị thầu và UBND các xã Tân Bình, An Trường A tiến hành đánh giá hiệu quả đầu tư mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã Tân Bình và An Trường A.

Hộ dân bỏ rác hữu cơ vào thùng phân hủy được cấp từ mô hình phân loại rác

Trước thực trạng một số khu vực công cộng, khu dân cư người dân không phân loại rác sinh hoạt tại nguồn gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại bãi rác, đồng thời tỷ lệ phân loại rác tại nguồn trên địa bàn huyện còn thấp. nên từ cuối năm 2020, phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND huyện Càng Long đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày  08/12/2020 về việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Càng Long nhằm tăng tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường theo hướng văn minh, hiện đại; đồng thời lồng ghép tuyên truyền việc hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng túi nilong khó phân hủy trong các hộ gia đình, cộng đồng, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu vực chợ.  Qua đó đã triển khai thực hiện mô hình này tại xã Tân Bình và An Trường A với 100 hộ dân đăng ký tham gia.

Để đánh giá hiệu quả đầu tư mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn đã thực hiện. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với đơn vị thầu đến trực tiếp các hộ dân thực hiện mô hình. Kết quả: hộ dân thực hiện đạt yêu cầu mô hình với tỷ lệ 80-90%, còn lại 10-20% hộ chưa phân loại tốt, chưa hiệu quả như còn để lẫn rác vô cơ vào thùng ủ, để rác quá ướt hoặc quá khô ảnh hưởng đến sự phân hủy rác, bố trí thùng ủ ở nơi không thuận tiện cho việc bỏ rác…Những hộ này đã được hướng dẫn lại cách phân loại rác cho đúng cách.

Theo các hộ dân cho biết trước đây bà con thường gom rác chung thành đống và đổ ra vường, kênh, mương nhà nên thường bốc mùi hôi, một số loại rác không tự phân huỷ (chai lọ, túi ni-lon) lâu ngày gây mất vệ sinh. Sau khi được tập huấn cách phân loại và xử lý rác, bà con biết loại nào là rác vô cơ và loại nào là rác hữu cơ. Nếu phân loại rác tốt, rác sẽ tự phân hủy, khoảng 90 ngày sau trở thành phân compost có độ mịn, tơi xốp, màu đen, không mùi, đem bón cho cây kiểng, hoa màu rất tốt. Đối với rác vô cơ như túi ni - lon, chai lọ… xử lý bằng cách bán phế liệu từ đó tăng nguồn thu nhập cho nông hộ.

Có thể thấy rằng nhân dân rất đồng tình, ủng hộ thực hiện mô hình qua những kết quả thiết thực đạt được. Từ khi mô hình được triển khai đến nay cho thấy ý thức người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường đã được nâng lên, không chỉ những hộ được hỗ trợ từ mô hình mà còn tác động đến ý thức của những hộ xung quanh. Việc tận dụng rác hữu cơ làm phân đã góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, làm người dân có ý thức hơn trong việc BVMT, coi rác thải hữu cơ không phải là thứ vứt bỏ mà còn có thể tận dụng được góp phần giảm bớt sự lạm dụng phân hóa học và chi phí sản xuất trong sản xuất.

Từ hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại, trong thời gian tới huyện tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình và khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân ở địa phương tham gia nhân rộng mô hình. Qua đó chuyển đổi thói quen để bảo vệ môi trường xung quanh và góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, ấp nông thôn mới kiểu mẫu./.

Người viết: N Q CHINH (PTN CANG LONG)

MonrePortal.CMS - Block_TinTucLienQuan